Theo giới phân tích, việc Mỹ tấn công tướng cấp cao của Iran có khả năng làm bùng phát một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (4/1) cảnh báo đã đặt 52 địa điểm tại Iran vào tầm ngắm và sẵn sàng tấn công nếu nước này tấn công người Mỹ và tài sản của nước Mỹ. 52 là một con số có nhiều ý nghĩa khi cũng chính là số nhân viên ngoại giao Mỹ bị bắt làm con tin tại Iran năm 1979. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Mỹ và Iran, đánh dấu một bước ngoặt thù địch giữa hai nước, khiến quan hệ song phương tới nay luôn trong trạng thái căng thẳng.
Xe chở chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran tan tành sau khi hứng tên lửa của Mỹ ở khu vực sân bay quốc tế Baghdad, Iraq sáng 3/1/2020. Ảnh: Văn phòng báo chí Thủ tướng Iraq. |
Trong loạt dòng Tweet đăng tải ngày hôm qua (4/1), Tổng thống Trump đã đả kích Iran, cho biết việc chỉ đạo vụ không kích sát hại Tướng Soleimani tại Baghdad hôm 3/1 chỉ là lời cảnh cáo. Ông đồng thời tuyên bố, trong số 52 cơ sở mà Mỹ đang nhắm tới, có những cơ sở là ở cấp rất cao và có ý nghĩa rất quan trọng đối với Iran, cũng như nền văn hóa Iran.
Trong khi đó, Iran vẫn còn giận dữ về vụ viên tướng quân đội hàng đầu thiệt mạng và cam kết sẽ đáp trả thích đáng “đúng lúc, đúng chỗ”. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh: “Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có quyền đáp trả chính đáng vào bất kỳ thời điểm nào và bằng bất kỳ biện pháp nào. Chúng tôi không liên quan đến chiến dịch bôi nhọ và tống tiền của Mỹ. Chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng thích hợp theo bất kỳ cách thức và thời gian nào”.
Tướng Gholamali Abuhamzeh, một chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran trước đó tuyên bố nước này đã “xác định 35 mục tiêu Mỹ trong tầm ngắm” và ám chỉ khả năng tấn công tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz.
Trong một dấu hiệu nữa cho thấy căng thẳng không ngừng leo thang, tối 4/1 (giờ địa phương), đã xảy ra gần như đồng thời các vụ tấn công bằng đạn súng cối và rocket nhằm vào Vùng Xanh, nơi có Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad và căn cứ không quân ở phía Bắc, nơi đồn trú một số lượng lớn binh sĩ và nhà thầu Mỹ, nhưng không gây thương vong. Dù chưa rõ bên nào thực hiện các vụ tấn công, song theo chuyên gia phân tích Erica Gaston thuộc Quỹ nước Mỹ mới, với việc Mỹ tấn công trực tiếp một tướng quân đội cấp cao của Iran và sự leo thang căng thẳng với các lực lượng thân Iran tại Iraq, thì đây không còn là một cuộc chiến ủy nhiệm, mà đã trở thành một cuộc chiến tranh trực tiếp.
Sau các vụ tấn công tối qua (4/1), nhóm dân quân Kata’ib Herbollah đã kêu gọi lực lượng an ninh Iraq tránh xa các căn cứ đồn trú của quân đội Mỹ ít nhất 1.000 m, bắt đầu từ 17h địa phương hôm nay (5/1) (tức là 21h theo giờ Việt Nam). Cũng trong ngày hôm nay (5/1), Quốc hội Iraq sẽ họp phiên bất thường và có thể sẽ bỏ phiếu về việc trục xuất 5.200 binh sĩ Mỹ triển khai tại nước này.
Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ngừng các chiến dịch tại Iraq và liên quân quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu cũng bắt đầu giảm các hoạt động để tăng cường cho những căn cứ có quân đội Mỹ đồn trú. Chính quyền Mỹ trước đó đã thông báo triển khai từ 3.000 đến 3.500 quân bổ sung tới khu vực.
Vụ ám sát Tướng Soleimani đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ một chảo lửa chiến tranh mới tại Trung Đông và các nỗ lực ngoại giao đang tích cực được triển khai. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (4/1) đã có cuộc điện đàm về những căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran, kêu gọi các bên kiềm chế, không làm trầm trọng hơn tình hình.
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Nicolas de Riviere cho biết:“Chúng tôi kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng ngay lập thức. Chúng ta cần sự ổn định tại khu vực và sẽ làm mọi việc trong khả năng để khuyến khích các bên làm như vậy”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Qatar Mohammed ben Abderrahmane Al-Thani, quốc gia vốn có quan hệ thân thiết với Iran, song cũng là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, cùng ngày đã gặp người đồng cấp Iran Javad Zarif ở thủ đô Tehran.
Hàng nghìn người biểu tình hôm qua (4/1) tập trung tại thủ đô Washington, New York và trên khắp nước Mỹ, với các khẩu hiệu phản đối chiến tranh hay kêu gọi Mỹ đứng ngoài Trung Đông. Ngay trước Nhà Trắng, khoảng 200 người đã tham gia biểu tình, dương cao khẩu hiệu: “Mỹ hãy rút khỏi Iraq ngay bây giờ! Không chiến tranh và không trừng phạt chống Iran”. Những người biểu tình cũng tập trung ở Chicago ngay trước toàn tháp Trump. Những người biểu tình cho biết, họ không cho phép đất nước bị cuốn vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa nào nữa và chiến tranh không phải là một chiến lược để tái đắc cử. /.
vov.vn/the-gioi/my-va-iran-leo-thang-doi-dau-trung-dong-truoc-nguy-co-chien-tranh-moi-997197.vov
Theo Thu Hoài/VOV1