Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong CMCN 4.0?

Thứ 6, 10.01.2020 | 17:40:14
378 lượt xem

Nhiều DN đã đưa ra giải pháp cụ thể với những bước đi phù hợp để đón nhận thành công những cơ hội mà CMCN 4.0 có thể mang lại.

Đầu tư công nghệ để bắt kịp xu thế công nghiệp 4.0 là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Nhiều DN đã đưa ra giải pháp cụ thể với những bước đi phù hợp để đón nhận thành công những cơ hội mà CMCN 4.0 có thể mang lại.

Hiện nay, phần lớn các DN Việt Nam đang có nhận thức đúng giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất kinh doanh khi tham gia cuộc cách mạng này. Thực tế, nhiều DN đã có đánh giá tổng thể và toàn diện, đưa ra giải pháp cụ thể với những bước đi phù hợp để đón nhận thành công những cơ hội mà CMCN 4.0 có thể mang lại.
 

Đầu tư công nghệ là vấn đề sống còn

Bà Vũ Thị Vân Phượng, Tổng giám đốc Công ty CP VietRAP đầu tư thương mại cho rằng, CNCN 4.0 sẽ đòi hỏi quy trình sản xuất trở nên nhanh hơn, thông minh hơn để có thể được rút ngắn thời gian gấp nhiều lần so với trước đây. Đối với những DN như VietRAP thì đây chính là những điểm mạnh, lợi thế cần được phát huy nếu muốn nhanh chóng bắt kịp, đi cùng và tiến tới trụ vững và phát triển với các công nghệ đặc trưng của thời đại 4.0.

“CNTT, internet và trí tuệ nhân tạo cũng như công nghệ mới đã cho phép DN phát triển nhanh hơn, sản phẩm có chất lượng, cạnh tranh với giá tốt hơn và dịch vụ được cải thiện. Đầu tư vào công nghệ để nắm lấy cuộc cách mạng này không còn là một lựa chọn nữa mà là vấn đề sống còn. DN cần chủ động trong việc đào tạo và đào tạo lại CBNV và công nhân để mọi người có thể cập nhật và hưởng lợi bởi những thay đổi tích cực từ cuộc CMCN 4.0”, bà Phượng cho biết.

Theo nhận định của TS. Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Viện máy và Dụng cụ công nghiệp, ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Điều này mang lại những hiệu quả lớn đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt có vai trò quan trọng vào sự phát triển của các DN trong thời đại CMCN 4.0.

Theo TS. Hồng, việc đưa robot ứng dụng trong DN để sản xuất sản phẩm có thể giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Về vấn đề này không chỉ các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận thức được mà DN cũng đang cho thấy họ có nhu cầu rất lớn với robot, đặc biệt là robot công nghiệp.

Với mục tiêu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trở thành DN số và trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, ngay từ năm 2018, Tập đoàn đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD của EVN. Trong năm 2019, ENN đã thông qua 13 trên tổng số 40 Đề án/Dự án thành phần, một số đề án đã được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả như số hóa công tác quản lý kỹ thuật lưới điện phân phối của EVNCPC; Phát triển lưới điện thông minh của EVNHCMC đối với cấu phần tự động hóa lưới điện.

“Việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý vận hành được chú trọng và tăng cường nhằm nâng cao độ tin cậy vận hành và tăng năng suất lao động. EVN đã đưa vào vận hành 57 trung tâm điều khiển và thực hiện điều khiển xa cho 625 trạm biến áp 220-110kV không người trực. Tỷ lệ phát hành văn bản điện tử, chữ ký số trên môi trường điện tử tại nhiều đơn vị đạt trên 80% làm rút ngắn thời gian, giảm chi phí. Hiện nay, EVN đang triển khai hệ thống E-cabinet để “số hóa” trên 90% các quy trình nghiệp vụ. Quá trình chuyển đổi số của EVN đã đạt trên 50%, đến năm 2025 cơ bản hoàn thành”, ông Nhân cho biết.
 

Tìm ra những lợi thế bản địa

Có thể nói, khả năng tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của các DN ở Việt Nam là khá khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa hiểu rõ bản chất của CMCN 4.0 và không biết phải ứng dụng nó như thế nào trong lĩnh vực DN hoạt động. Đặc biệt DN nhỏ và vừa, dù họ biết đến những thuật ngữ như “vạn vật kết nối”; “ứng dụng IoT” nhưng họ không rõ rằng sẽ ứng dụng cái gì trong đó và không biết phải bắt đầu từ đâu?

Theo như TS. Hoàng Việt Hồng, nhiều DN dù muốn tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, cần có thêm nhiều robot để phục vụ sản xuất nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn với hàng loạt các bài toán đặt ra về nhân sự, vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật tại các cơ sở còn thiếu đồng bộ từ sản xuất đến kho bãi...

Trước tình hình đó, TS. Hồng cho rằng, cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất của Việt Nam. Các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư cũng cần được chú trọng trong thời gian tới.

Để nhanh chóng thành công trong CMCN 4.0, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, các quốc gia cần số hóa tất cả mọi thứ và có hệ thống quản lý nguồn tài nguyên thông tin đó. “Việt Nam rất cần xây dựng hệ thống luật pháp vững chắc cho vấn đề này, bởi khi nguồn tài nguyên số bị xâm phạm sẽ gây nguy hiểm hết sức lớn, hỗn loạn và khủng hoảng”, TS. Thành nêu rõ.

Ông Đỗ Cao Bảo, Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự Tập đoàn FPT cho rằng, để bắt kịp với CMCN 4.0, mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam cần bắt kịp xu thế của thời đại nhất là khi công nghệ thay đổi. Để bắt kịp nhanh hơn CMCN 4.0, mỗi quốc gia phải tìm ra những lợi thế bản địa, hiểu rõ thị trường của mình hơn ai hết, từ đó cho ra những sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu, không cho các hãng sản xuất nước ngoài có cơ hội thâm nhập và nhanh chân chiếm lĩnh thị trường./.

vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-nam-dang-o-dau-trong-cmcn-40-995269.vov

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN