Đừng để viêm amidan trở thành áp-xe

Thứ 5, 12.03.2020 | 15:28:53
1,088 lượt xem

Áp-xe quanh amidan là hiện tượng viêm tấy, hóa mủ tổ chức liên kết lỏng lẻo nằm quanh amidan - giữa amidan và thành bên họng.

Người bệnh được phát hiện bị áp-xe quanh amidan thường là trẻ lớn và người lớn. Liệu áp-xe quanh amidan có nguy hiểm hay không, cách gì có thể phòng tránh? Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân hay gặp của áp-xe quanh amidan là do viêm amidan cấp mủ không được điều trị hoặc vì độc tố vi khuẩn cao hay tại vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh mà người bệnh sử dụng. Vi khuẩn gây áp-xe quanh amidan được xác định khi lấy mủ của khối áp-xe đi nuôi cấy. Người ta thấy sự xuất hiện của vi khuẩn gây bệnh trong những trường hợp này là tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, vi khuẩn kỵ khí và ái khí, trong đó có liên cầu bêta tan huyết nhóm A.

Bệnh nhân N.C.M. (19 tuổi) ở Lạng Sơn nhập viện vì sốt 2 ngày là một trường hợp điển hình. Theo lời kể, bệnh nhân nuốt đau, không ăn uống được, nói khó. Khi khám ghi nhận bệnh nhân mệt mỏi, sốt cao 39ºC. Bệnh nhân há miệng hạn chế, sưng vùng cổ hai bên. Khám họng thấy 2 amidan sưng to, đỏ, nhiều mủ, trụ trước amidan sưng phồng. Chẩn đoán ban đầu là áp-xe quanh amidan 2 bên (giai đoạn viêm tấy). Sau 7 ngày được điều trị, bệnh nhân hết sốt, khỏe, ăn uống được, bớt sưng đau vùng cổ sau 3 ngày và xuất viện.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp viêm amidan không điều trị đúng mức khiến cho tình trạng nặng hơn và dẫn đến áp-xe quanh amidan.

Amindan nằm ở ngã tư hầu họng, là cửa ngõ bảo vệ đường hô hấp, nên dễ bị vi khuẩn tấn công và gây viêm.

Amindan nằm ở ngã tư hầu họng, là cửa ngõ bảo vệ đường hô hấp, nên dễ bị vi khuẩn tấn công và gây viêm.

Áp-xe quanh amidan xuất hiện khi nào?

Một áp-xe quanh amidan điển hình xuất hiện sau viêm amidan cấp khoảng 5-7 ngày. Bạn có thể nghĩ đến bản thân bị áp-xe quanh amidan nếu thấy đau họng liên tục trong khi vẫn đang được sử dụng kháng sinh, mức độ đau tại họng giảm trong 1-2 ngày đầu, sau đó lại tăng lên ngày một nặng. Đặc điểm đau họng trong áp-xe quanh amidan là đau lan lên tai khi nuốt, đau nhức vùng góc hàm. Đi kèm theo là sốt 39-400C, gai rét, rất mệt mỏi; môi khô, rêu lưỡi dày, có nhiều giả mạc trắng đục trên bề mặt. Sau đó, người bệnh bắt đầu cảm thấy nuốt khó, nước bọt chảy nhiều, bẩn, hơi thở hôi, thối. Giọng nói bị thay đổi, trở nên đầy đầy, khó nghe, giọng như ngậm thị do eo họng bị thu hẹp. Giai đoạn muộn khi khối áp-xe lan ra vùng cơ cắn sẽ gây ra hiện tượng khít hàm. Có thể có khó thở khi khối áp-xe lấp kín họng miệng rồi lan dần xuống họng thanh quản.

Cách điều trị áp-xe quanh amidan

Để điều trị áp-xe quanh amidan hiệu quả, người bệnh cần tới các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng. Tùy vào từng giai đoạn và triệu chứng bệnh áp-xe quanh amidan mà có phương pháp điều trị khác nhau. Giai đoạn viêm tấy quanh amidan chỉ cần sử dụng kháng sinh, chống viêm, hạ sốt, giảm đau theo đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ.

Khi bị áp-xe quanh amidan có mủ thì có thể áp dụng các phương pháp điều trị như: Chích rạch khối áp-xe dẫn lưu mủ, giữ cho vết rạch luôn mở khoảng 3 ngày. Điều trị nội khoa bằng kháng sinh tiêm hay truyền tĩnh mạch, chống cả vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí kết hợp dùng thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bị viêm amidan, cần điều trị sớm, đúng để bệnh khỏi dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ. Cần vệ sinh họng, miệng, răng sạch sẽ hàng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, tốt hơn, súc họng bằng nước muối nhạt trước khi đánh răng. Khi ra đường, cần đeo khẩu trang để tránh bụi vì trong bụi có vô số vi sinh vật gây bệnh, chưa kể còn có chất độc hại cho đường hô hấp, nhất là vùng có không khí ô nhiễm. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào.

ThS.BS. Phạm Thị Bích/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/dung-de-viem-amidan-tro-thanh-ap-xe-n169946.html

  • Từ khóa