Mỗi ngày, cửa khẩu Lào Cai giải quyết thông quan cho khoảng hơn 100 xe, nhưng thực tế chỉ qua được đầu Việt Nam, còn sang Trung Quốc phải xếp hàng dài.
Kể từ 8/2, hoạt động thông quan, đặc biệt là xuất khẩu qua địa bàn biên giới Lào Cai thông thoáng trở lại sau những ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả thông quan ấn tượng thì khó khăn lại xuất hiện, khi lượng xe nông sản ùn ùn kéo lên cửa khẩu mỗi ngày một nhiều.
Hiện, tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành – thành phố Lào Cai đang có trên 200 xe xếp hàng chờ xuất khẩu, chủ yếu là container thanh long từ các tỉnh miền trong ra. Mỗi ngày, cửa khẩu giải quyết thông quan cho khoảng hơn 100 xe, nhưng thực tế chỉ qua được đầu Việt Nam, còn sang đến Trung Quốc lại phải xếp hàng dài.
Nhiều lái xe sốt ruột vì hàng thông quan chậm, lại phải cách ly quá lâu. |
Theo lái xe Nguyễn Thành Đủ, người Bà Rịa – Vũng Tàu, các lái xe cùng đội qua bên Trung Quốc trước thông tin về cho biết bên đó đang có khoảng 400 – 500 xe đỗ tràn cả ra mặt đường, khả năng còn phải chờ rất lâu mới xong thủ tục.
“Anh em nhắn về nói bên đó không có gì ăn và nhờ tiếp tế mì tôm. Đường dài vất vả, thức đêm thức hôm, qua bên đó như vậy, nhiều lúc gia đình ở nhà rất lo, không biết mình dọc đường ra làm sao, qua cửa khẩu như thế nào…”, anh Đủ nói.
Theo bà Mai Thu Huyền, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hưng Thịnh, hàng từ đầu Việt Nam đi sang tới bãi hải quan Trung Quốc quãng đường chỉ 2km, nhưng phải qua rất nhiều khâu, mất nhiều thời gian, trong khi lái xe lại tuyệt đối không được phép rời vị trí. Công ty mặc dù chủ động bố trí cả đội xe nằm riêng tại cửa khẩu, nhưng vẫn không đáp ứng nổi.
Cửa khẩu Kim Thành đang dần quá tải. |
“Đội xe công ty tôi hơn chục người nhưng giờ chưa một lái xe nào về cả, đang ở bên Trung Quốc hết. Họ đi từ hôm 10/2, có người quay về được mấy chuyến sang rồi, nhưng từ 2 – 3 hôm nay không ai được xuống xe, một người ôm một xe”, bà Huyền cho biết.
Không chỉ khó khăn ở đầu Trung Quốc, hiện nay, một cái khó nữa là tại cửa khẩu Lào Cai vẫn đang áp dụng quy trình cách ly 14 ngày đối với lái xe hàng xuất khẩu. Theo lái xe Dương Thanh Lanh (người Bình Định), anh chở thanh long từ Long An ra Lào Cai đã 5 ngày, nhưng chưa biết làm thế nào đưa hàng qua vì xe chỉ có 1 lái và 1 phụ. Nếu trực tiếp đánh xe sang Trung Quốc rồi về cách ly tự nhiên mất 2 tuần không làm được gì, lại không có thu nhập. Còn thuê lái ngoài thì không thể yên tâm vì lái xe không chỉ mỗi cầm vô lăng mà còn phải xử lý sự cố xe cộ cũng như bảo quản hàng hóa, chưa kể bằng lái container cũng là bằng hạng cao nhất, rất khó tìm người.
“Muốn thuê một người lái xe qua là mất 10 triệu, qua bên đó giao hàng 3 – 4 ngày mới xong mà thuê người khác chạy xe lo hư hàng vì họ không biết kỹ thuật, mỗi xe mỗi khác, mỗi máy lạnh mỗi khác”, anh Lanh chia sẻ.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, từ 8/2 đến nay, tổng cộng có trên 1.000 xe hàng xuất khẩu qua biên giới, chủ yếu là thanh long và một số hàng nông sản khác như chuối, mít, tinh bột sắn... Còn nhập khẩu thì thuận lợi hơn, với trên 2.000 xe được thông quan.
Theo ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên phía Trung Quốc hạn chế tập trung đông người, mỗi xe hàng xuất khẩu qua biên giới chỉ có 2 công nhân bốc xếp, khiến thời gian thông quan bị kéo dài hơn. Ở thời điểm này, tại Lào Cai mỗi ngày có thể giải quyết cho hơn 100 xe qua cửa khẩu, sang tới Trung Quốc chỉ có khoảng 60 xe vào được nội địa, còn lại phải tiếp tục xếp hàng.
“Chính sách, quy định của hai quốc gia khác nhau nên điều này không thể can thiệp được. Còn tại cửa khẩu Lào Cai từ 19/2 trở đi sẽ áp dụng quy trình cách ly theo hướng dẫn số 568/BYT-DP ngày 8/2/2020 của Bộ Y tế, lái xe và người giao hàng sẽ không bị cách ly khi trở về”, ông Thuận cho hay.
Theo đó, lái xe và người giao hàng khi trở về không cần phải cách ly 14 ngày như trước mà có thể tự theo dõi sức khoẻ, nhưng phải báo ngay cho cơ quan y tế địa phương, nơi cư trú khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Còn trong quá trình vận tải hàng hóa thông quan phải mặc đồ phòng hộ, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đồng thời chỉ được chở đến khu vực giao hàng tại cửa khẩu, không đi sâu vào nội địa.
“Các doanh nghiệp vẫn cần thường xuyên cập nhật, nắm bắt năng lực thông quan tại cửa khẩu để cân nhắc quyết định vận tải hàng. Còn một khi ùn ứ xảy ra thì chi phí kho bãi trong thời gian chờ đợi cũng sẽ phát sinh. Chưa kể khả năng chịu tải hạ tầng sân bãi cửa khẩu, cũng như sức chứa khu vực cách ly lái xe cũng có hạn”, ông Thuận thông tin./.
An Kiên/VOV-Tây Bắc