Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Đẩy mạnh tuyên truyền, siết chặt kiểm tra

Thứ 3, 08.10.2024 | 08:56:50
74 lượt xem

Những năm qua, các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh luôn quan tâm, thực hiện đồng bộ giữa công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi sai phạm trong sản xuất kinh doanh và tuyên truyền, triển khai Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD), những quy định của pháp luật liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của NTD.

Ngày 5/8/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 113 chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Qua đó, các cơ quan chuyên môn và các huyện, thành phố đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong công tác này.

 Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng

Kinh tế thị trường ngày một phát triển, các dịch vụ, sản phẩm hàng hoá cũng ngày càng đa dạng, do vậy để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD, việc duy trì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng luôn là nội dung quan trọng. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, Sở Công Thương phối hợp tổ chức từ 3 đến 5 hội nghị tuyên truyền lồng ghép về các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD. Hội Bảo vệ NTD tỉnh phối hợp với Hội người cao tuổi, Hội Nông dân, Ban dân tộc, Hội Bảo trợ người khuyết tật tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền cho đối tượng NTD yếu thế (trẻ em, học sinh, người cao tuổi, người khuyết tật, người ở vùng cao biên giới) và phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân tại các huyện, thành phố về các nội dung của Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về công tác bảo vệ NTD và hưởng ứng Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hoạt động của cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ chơi tại thành phố Lạng Sơn

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hoạt động của cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ chơi tại thành phố Lạng Sơn

Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của NTD Việt Nam 15/3 bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: xây dựng phóng sự về công tác bảo vệ quyền lợi NTD; treo băng rôn, phát tờ rơi tuyên truyền Ngày quyền của NTD Việt Nam gắn với chủ đề hằng năm tại một số tuyến phố chính, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ quan, trường học, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức mít tinh, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, triển khai đến các xã, phường, thị trấn tuyên truyền trên loa truyền thanh các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; vận động doanh nghiệp tổ chức tri ân khách hàng...

Ông Lã Đức Đoàn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Hằng năm, phòng tham mưu lãnh đạo sở xây dựng văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ quyền lợi NTD bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp, lồng ghép vào các buổi giao ban chuyên môn của cơ quan, đơn vị; đồng thời, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên tuyên truyền cho người thân trong gia đình không sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... ảnh hưởng đến quyền lợi NTD.

Một trong những nội dung quan trọng nhất trong công tác bảo vệ NTD thời gian qua đó là Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Nội dung của luật có nhiều điểm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; bổ sung các quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Ông Lương Đăng Ninh, Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD tỉnh cho biết: Ngay khi luật được Quốc hội thông qua, Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền NTD tỉnh đã nghiên cứu để xây dựng các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa cập nhật và tuân thủ các quy định của luật nhằm bảo vệ quyền lợi NTD và xây dựng hình ảnh thương hiệu uy tín cho chính mỗi cơ sở.

Điển hình như ngày 20/9 vừa qua, Hội Bảo vệ NTD tỉnh đã phối hợp với Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo về công tác bảo vệ quyền lợi NTD với sự tham gia của gần 100 đại biểu là đại diện các sở, ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và NTD trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2024, Hội Bảo vệ NTD tỉnh sẽ phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tại các huyện, thành phố; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu về luật và các quy định liên quan cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, thông qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền cũng như nhận thức của NTD trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Chị Lương Thu Hương, thôn Nà Lừa, xã Bính Xá, huyện Đình Lập cho biết: Trước đây tôi chưa thật sự hiểu về quyền của bản thân trong các hoạt động tiêu dùng, mua sắm hằng ngày nên khi gặp phải những trường hợp có dấu hiệu của việc "buôn gian bán lận" tôi thường có tâm lý e dè, chịu thiệt. Tuy nhiên, những năm gần đây, thông qua các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương như: tuyên truyền qua loa truyền thanh, treo băng rôn, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp thôn... đã giúp tôi hiểu rõ hơn về quyền của NTD và có ý thức hơn trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân.

 Đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm

Song song với tuyên truyền, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hạn chế tối đa việc lưu thông trên thị trường những hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho NTD. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khỏe của NTD. Đơn cử, riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý 1.527 vụ vi phạm (trong đó có 81 vụ việc về hàng giả, 479 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu...).

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, cục luôn chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực, địa điểm có nhiều hoạt động kinh doanh, tiêu dùng, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm đến quyền lợi NTD; triệt phá, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Không riêng lực lượng QLTT, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, kiểm soát 9.790 vụ liên quan đến các hình vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các điểm tập kết mỹ phẩm, thực phẩm nhập lậu; các hoạt động kinh doanh dịch vụ giải trí, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Qua đó, đã phát hiện 7.203 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính hơn 43,1 tỷ đồng; buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính gần 41,6 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu gần 60,2 tỷ đồng. Trong đó, riêng số vụ xử lý về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là 544 vụ.

Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Cùng với công tác kiểm tra, việc tư vấn, hỗ trợ NTD khiếu nại, tố cáo các hành vi kinh doanh sai phạm, ảnh hưởng đến lợi ích NTD cũng được Hội Bảo vệ NTD Lạng Sơn triển khai hiệu quả. Tính từ năm 2019 đến nay, hội đã hỗ trợ giải quyết 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo của NTD; tỉ lệ giải quyết thành công là 100%. Theo đó, sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của NTD, hội phối hợp với các ngành chức năng xác minh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ông Lương Đăng Ninh, Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD tỉnh nhấn mạnh: Qua theo dõi cho thấy, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp tốt trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD, từ việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiểm tra, kiểm soát, hạn chế tối đa việc lưu thông trên thị trường những hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho NTD đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tư vấn, hỗ trợ NTD xử lý các tình huống bị xâm quyền lợi trong tiêu dùng, hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần thực hiện văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh.

Nhờ thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn hành vi sai phạm cũng như công tác tuyên truyền, đến nay tư duy, nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt, hiểu rõ hơn về quyền lợi của NTD.

NTD hướng đến lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, có xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn mác theo quy định; các doanh nghiệp sản xuất đã tạo ra nhiều hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao; chất lượng dịch vụ ngày càng đáp ứng nhu cầu của NTD, góp phần ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Từ năm 2019 đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phát 850 tin bài, phóng sự; Báo Lạng Sơn đã đăng tải trên 700 tin, bài kèm hình ảnh tuyên truyền liên quan đến công tác bảo vệ NTD; các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền được 62 buổi/4.800 lượt người dân về nội dung không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-day-manh-tuyen-truyen-siet-chat-kiem-tra-5023957.html

  • Từ khóa