Dừng thí điểm “taxi công nghệ”: Thị trường vận tải có minh bạch hơn?

Thứ 3, 03.03.2020 | 08:43:14
530 lượt xem

Quyết định dừng thí điểm “taxi công nghệ” được kỳ vọng sẽ hạn chế được sự cạnh tranh không công bằng giữa các loại hình taxi.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Quyết định dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (với các hãng như Grab, Go-Viet, FastGo…) để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020 sẽ có hiệu lực và ngày 1/4 sắp tới. Nghị định này sẽ hạn chế được những bất cập được cho là cạnh tranh không công bằng giữa những loại hình taxi trong thời gian qua. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý và không bị thất thu thuế của Nhà nước là vấn đề đang được đặt ra.

Anh Nguyễn Văn Công ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã chạy taxi Grap hơn 3 năm nay. Khi biết tin Bộ Giao thông vận tải quyết định dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, anh Công cho rằng, việc này là bình thường bởi trước sau cũng sẽ xảy ra. Hiện tại, anh đã phải nộp cho Grap tổng số là 28,5% tổng doanh thu. Nếu bị nộp thuế nhiều hơn, hãng sẽ tăng giá cước đối với khách hàng, còn những tài xế như anh thì ít bị ảnh hưởng.

“Các công ty sẽ phải tuân thủ pháp luật, nhưng tôi nghĩ họ sẽ thích ứng được. Quy định mới này sẽ ảnh hưởng nhưng không nhiều, vì những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực vận chuyển công nghệ họ đã thành công ở nhiều thị trường. Đến với Việt Nam không phải đầu tiên nên họ sẽ có chiến lược kinh doanh”, anh Công nói.

dung thi diem

“Taxi công nghệ” được kỳ vọng sẽ hạn chế được sự cạnh tranh không công bằng giữa những loại hình taxi. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Trần Hữu Toàn, người dân ở phường Quảng An, quận Tây Hồ thì cho rằng, việc dừng thí điểm đối với loại hình taxi công nghệ để thực hiện theo Nghị định 10 của Chính phủ là cần thiết. Bởi thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp khiếu kiện giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Có cầu thì ắt có cung. Việc siết chặt quản lý các loại hình taxi để làm lành mạnh và minh bạch thị trường. 

Tại Hà Nội, có nhiều tuyến đường cấm xe hợp đồng chở khách dưới 9 chỗ đi vào giờ cao điểm, nhưng do không nhận diện được các phương tiện vận tải ứng dụng phần mềm đặt xe nên họ vẫn đi vào bình thường. Bên cạnh đó, có quá nhiều taxi công nghệ như hiện nay đã làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. 

Ông Toàn cho hay: “Nhà nước quyết định dừng thí điểm taxi công nghệ là phù hợp với giao thông Hà Nội, vì hiện nay có rất nhiều phương tiện. Nếu giảm bớt xe thì sẽ đỡ ùn tắc, tai nạn giao thông, chúng tôi ủng hộ quyết định này”.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, nghị định 10 của Chính phủ sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các loại hình vận tải. Sắp tới, sẽ không còn khái niệm “taxi truyền thống” và “taxi công nghệ”. Thực tế cho thấy, việc các hãng taxi công nghệ tăng giá không theo quy định nào, nhất là trong những ngày mưa gió đã gây bức xúc đối với người sử dụng dịch vụ. Thậm chí, giờ cao điểm có thể tăng giá gấp 3 lần. 

Việc yêu cầu tất cả các loại xe hợp đồng chở khách dưới 9 chỗ phải có Logo để nhận diện sẽ giúp các cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm. Những người sử dụng lao động hay người hành nghề taxi cũng phải chịu trách nhiệm thực hiện theo các quy định của pháp luật, thay vì “thả lỏng” như thời gian thí điểm. Tuy nhiên, việc quản lý như thế nào để thu được thuế của một số hãng taxi ứng dụng phần mềm nhưng đặt máy chủ ở nước ngoài là vấn đề đang được đặt ra, để khắc phục những bất cập trong suốt thời gian qua. 

“Tại sao Bộ Tài chính phải đưa Grap vào diện theo dõi đặc biệt về thuế? Đó là dấu hỏi lớn. Lỗ hổng đó ai cũng nhìn thấy. Tại sao lại không yêu cầu họ kê khai giá để bình đẳng với những loại hình vận tải khác, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và minh bạch như các loại hình vận tải. Dù có yêu cầu xuất hóa đơn hay yêu cầu cung cấp số lượng phương tiện mà họ không đặt máy chủ tại Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục thuế cũng không truy cập được vào máy chủ này thì lấy cơ sở nào để quản lý được họ”, ông Nguyễn Công Hùng nói.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, Nghị định 10 của Chính phủ trước hết giải quyết được những mâu thuẫn trong quản lý các loại hình taxi. Về mặt trực quan, taxi truyền thống cũng sẽ được lựa chọn dán Logo ở kính trước và kính sau như taxi công nghệ, không nhất thiết phải có mào. Việc dán Logo đối với taxi công nghệ ở kính phía trước và kính phía sau là đơn giản và tạo ra sự bình đẳng trong việc nhận dạng xe. Về mặt quản lý thuế đối với các phương tiện này cũng được quy định cụ thể hơn. Vấn đề là cơ quan quản lý Nhà nước cần yêu cầu các hãng taxi công nghệ phải cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan như số phương tiện, giá cước, doanh thu… để đảm bảo thu được thuế đúng quy định của pháp luật. 

“Bình đẳng ở đây là đưa ra một sân chơi mới với những tiêu chí mới. Ai tham gia được thì tham gia. Mục tiêu là mang lại lợi ích cho kinh tế, xã hội và lợi ích cho nhân dân, về kinh tế, an toàn và chất lượng dịch vụ. Tôi nghĩ rằng, Nghị định 10 về góc độ nào đó đã đáp ứng được những vấn đề cơ bản đó”, TS. Khương Kim Tạo cho biết.

Quyết định 146 của Bộ Giao thông vận tải, dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng nhằm hướng đến lợi ích kinh tế cho người dân. Khi mô hình xe công nghệ chính thức thoát khỏi ràng buộc ở 5 tỉnh, thành phố và được triển khai trên diện rộng thì người dùng tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước sẽ có thêm lựa chọn. Nếu mở rộng dịch vụ gọi taxi qua ứng dụng phần mềm điện tử cũng góp phần tạo ra công ăn việc làm cho các tài xế, giúp họ yên tâm vì dịch vụ đã được hợp pháp hóa và không còn lo ngại viễn cảnh phải ngừng kinh doanh./.


Thành Trung/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/dung-thi-diem-taxi-cong-nghe-thi-truong-van-tai-co-minh-bach-hon-1016931.vov

  • Từ khóa