“Sân chơi” góp phần đưa sản phẩm OCOP Việt Nam ra thế giới

Thứ 6, 01.11.2024 | 08:35:23
325 lượt xem

Hàng loạt các sản phẩm đặc trưng vùng miền, lĩnh vực đã góp mặt tại Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu (VIETNAM OCOPEX), vừa khai mạc tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 3 (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Đây được xem là “sân chơi” để giới thiệu, quảng bá và kết nối thị trường tiêu thụ, tiến tới đưa nhiều sản phẩm OCOP Việt Nam ra thế giới.

Trăn trở của chủ thể OCOP

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (One Commune One Product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương. Các chủ thể tham gia chương trình bao gồm các thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) và kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất).

“Sân chơi” góp phần đưa sản phẩm OCOP Việt Nam ra thế giới
Chị Bùi Thúy Vần, Phó giám đốc Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần, tại gian hành trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình. 

Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước, với hàng chục nghìn sản phẩm ra đời. Tới nay, cả nước có khoảng hơn 14.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 7.000 chủ thể OCOP. Các sản phẩm OCOP kết tinh các giá trị văn hóa vùng, miền đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương trên cả nước.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức hàng loạt hoạt động kết nối thị trường, các hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Đặc biệt, theo ý kiến nhiều chủ thể OCOP, hạn chế trong việc tiếp thị các sản phẩm OCOP là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sản phẩm vẫn chưa đến được tay người tiêu dùng, ngay cả người tiêu dùng trong nước.  

Là chủ doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường Anh, chị Bùi Thúy Vần, Phó giám đốc Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần (tỉnh Hòa Bình), chia, một trong những vướng mắc mà doanh nghiệp của chị cũng như nhiều doanh nghiệp khác gặp phải nằm ở khâu tiếp thị. Mặc dù sản phẩm có chất lượng cao, nhưng việc tiếp thị hạn chế, điều đó dẫn đến việc, nhu cầu sử dụng sản phẩm OCOP lớn, nhưng đa phần sản phẩm vẫn chưa tiếp cận được gần với nhà phân phối, người tiêu dùng trong và ngoài nước.

“Sân chơi” góp phần đưa sản phẩm OCOP Việt Nam ra thế giới
 Ông Trần Mạnh Tùng, chủ doanh nghiệp sản xuất cơm cháy của Ninh Bình, tại triển lãm.

Nói về khó khăn của các chủ thể OCOP trong tỉnh, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận) cũng cho rằng, bên cạnh quy chuẩn bao bì, nhãn mác và xây dựng thương hiệu riêng, khâu quảng bá vẫn còn nhiều hạn chế, nên sản phẩm vẫn chưa tiếp cận được với các kênh phân phối. Điều này dẫn đến việc, các sản phẩm làm ra, dù có chất lượng tốt, vẫn chưa đến được tay người dùng.

“Chuyến tàu tốc hành” đưa sản phẩm OCOP Việt Nam ra thế giới

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm OCOP có lợi thế của quốc gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hội nhập kinh tế thế giới, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu. 

Triển lãm là cơ hội để các chủ thể OCOP tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan đại diện và các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các chủ thể OCOP gặp gỡ các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, từ đó giúp họ đổi mới tư duy sản xuất và tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, bền vững.

Ông Nguyễn Minh Sơn, đại diện các chủ thể OCOP của tỉnh Bình Thuận, cho rằng, ngoài tìm kiếm các nhà phân phối trong và ngoài nước, tham gia triển lãm lần này còn giúp các chủ thể OCOP biết mình đang thiếu, yếu ở khâu nào, từ đó có các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. 

Chị Bùi Thúy Vần cho rằng, dù được sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan, nhưng việc tiếp cận các doanh nghiệp, đơn vị phân phối nước ngoài không phải là dễ. “Cũng chính vì thế, tôi đã tham gia VIETNAM OCOPEX, để trưng bày, giới thiệu sản phẩm của mình. Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp như chúng tôi gặp gỡ các đối tác nước ngoài, từ đó có thể xuất khẩu đi các thị trường quốc tế”, chị Vần nói. 

“Sân chơi” góp phần đưa sản phẩm OCOP Việt Nam ra thế giới
Đại diện các chủ thể giới thiệu sản phẩm tới các đại biểu. 

Ông Trần Mạnh Tùng, chủ doanh nghiệp sản xuất cơm cháy Như Quỳnh của Ninh Bình, cho biết, do các sản phẩm có hạn sử dụng ngắn, nên việc xuất khẩu các sản phẩm cơm cháy sang thị trường quốc tế là rất khó. Chính vì thế, các chủ thể ở Ninh Bình nhắm đến các khách du lịch trong và ngoài nước. VIETNAM OCOPEX là dịp các chủ thể quảng bá rộng rãi hơn các sản phẩm của tỉnh tới người tiêu dùng trong nước và khách du lịch.  Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chia sẻ, một trong những trăn trở của các chủ thể OCOP là làm thế nào để tiêu thụ được sản phẩm làm ra. Bà nhấn mạnh, VIETNAM OCOPEX là một trong những giải pháp. Sự kiện giúp tạo cơ hội cho hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mong muốn, từ OCOP sẽ ngày càng xuất hiện trên các thị trường trong nước, đặc biệt là quốc tế.

Không chỉ nhắm đến thị trường nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Triển lãm các sản phẩm OCOP cũng kích hoạt cả thị trường trong nước, bởi chỉ khi người Việt Nam tin yêu và tin dùng, sẽ có nhiều hơn sản phẩm OCOP vượt trội để xuất khẩu. Theo ông, sản phẩm chưa xuất khẩu đều là các sản phẩm tiềm năng, có thể tiếp cận các phân khúc thị trường khác nhau, nên cần được tiếp tục tư vấn, hỗ trợ để hoàn thiện. Ông nhấn mạnh rằng, từ “EX” trong “OCOPEX” ngoài là viết tắt của từ “expo” (hội chợ), nhưng có thể là từ “express” (tốc hành) và VIETNAM OCOPEX sẽ góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam lên chuyến tàu tốc hành đến với các bạn bè gần xa.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/san-choi-gop-phan-dua-san-pham-ocop-viet-nam-ra-the-gioi-801160

  • Từ khóa