Những năm qua, bên cạnh triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bắc Sơn luôn thực hiện tốt các giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn và xử lý nợ quá hạn. Hiện, phòng giao dịch huyện là đơn vị thực hiện tốt nhất công tác giải quyết nợ quá hạn trong hệ thống NHCSXH toàn tỉnh.
Là huyện có kinh tế khá phát triển, nhu cầu sử dụng vốn sản xuất, kinh doanh cao, nên những năm qua, NHCSXH huyện Bắc Sơn không ngừng tăng trưởng dư nợ. Năm 2019, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 378,050 tỷ đồng, tăng 19,720 tỷ đồng so với năm 2018, đạt 99,99% kế hoạch được giao, với 8.849 khách hàng còn dư nợ. Hiện nay, Bắc Sơn là huyện có số dư nợ tín dụng vốn ưu đãi lớn nhất trong toàn tỉnh.
Người dân thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch xã Đồng Ý
Với số vốn đầu tư lớn như vậy, NHCSXH huyện luôn chú trọng công tác quản lý vốn, tích cực đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, giảm nợ quá hạn, đảm bảo chất lượng tín dụng trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, những năm qua, NHCSXH huyện tập trung giải pháp tuyên truyền và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Ông Trần Sỹ Đạo, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Điều cốt lõi để nâng cao chất lượng tín dụng là ý thức của người dân khi vay vốn. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức hội các cấp trong nhận ủy thác và trách nhiệm của cán bộ tín dụng được phân công phụ trách địa bàn, đặc biệt là vai trò của tổ TK&VV. Theo đó, khi triển khai vốn vay phải thường xuyên nắm bắt, bám sát địa bàn, làm tốt công tác bình xét cho vay, công khai, minh bạch, đúng với nhu cầu thực tế và mục đích sử dụng vốn của hộ vay, tránh cho vay sai đối tượng để hộ vay có cơ hội sử dụng vốn sai mục đích, gây khó khăn cho việc trả nợ khi đến hạn…
Bên cạnh đó, ngân hàng nắm tình hình sử dụng vốn của các hộ dân; tổng hợp những hộ nợ đến hạn, hộ nợ quá hạn; phân tích rõ nguyên nhân nợ quá hạn để có biện pháp xử lý kịp thời như: cho gia hạn nợ, đôn đốc thu nợ, đối với những trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan thì đơn vị phối hợp lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khoanh nợ, xóa nợ…. Như trong năm 2019, huyện có 2.475 món vay đến hạn với số tiền 75,130 tỷ đồng, đơn vị đã chủ động gửi danh sách cho tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã để chỉ đạo các tổ TK&VV đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay trả nợ đúng hạn. Nhờ đó, trong năm, đơn vị kịp thời thu hồi nợ đến hạn, không để phát sinh nợ quá hạn.
Bà Vũ Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Bắc Sơn cho biết: Hội đang quản lý 6 tổ TK&VV với dư nợ 5 tỷ đồng. Để quản lý vốn, hội kiểm tra hằng tháng đối với các tổ TK&VV; kiểm tra và định hướng đối với những hộ vừa vay mới và hộ sắp đến hạn trả vốn. Qua đó, đôn đốc việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nhắc nhở các hộ vay trả nợ đến hạn, đồng thời báo cáo kịp thời với ngân hàng những vướng mắc, khó khăn… Nhờ đó, các hội viên đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, các hộ có ý thức trả nợ, lãi, hội không có nợ quá hạn.
Ngoài ra, NHCSXH huyện chú trọng kiểm tra, giám sát, đào tạo, tập huấn để nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý vốn. Năm 2019, đơn vị kiểm tra được 20/20 xã, thị trấn, 76 tổ TK&VV, 1.140 hộ vay, qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện những yếu kém trong quá trình điều hành vốn ủy thác, sử dụng vốn vay; tổ chức được 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, nghiệp vụ quản lý vốn cho cán bộ tổ TK&VV, tổ chức hội và chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Cùng với nhiệm vụ tăng trưởng dư nợ, NHCSXH huyện Bắc Sơn làm rất tốt công tác giải quyết nợ quá hạn. Nhờ triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp, NHCSXH huyện đã phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị và xã hội nhận uỷ thác vốn và các tổ TK&VV. Đến nay, nợ quá hạn giảm chỉ còn 54 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,014% tổng dư nợ, là đơn vị có nợ quá hạn thấp nhất trong toàn tỉnh, trong đó có 15/17 xã, thị trấn không có nợ quá hạn.
KIM HUYÊN/baolangson.vn